Ngày 5/3, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Australia.
• Việt Nam – Australia: Hợp tác phát triển khoa học công nghệ
• Thúc đẩy hợp tác tài chính, chuyển đổi số qua Diễn đàn công nghệ Australia – Việt Nam 2023
Diễn đàn diễn ra tại Đại học RMIT, thành phố Melbourne, bang Victoria, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia phối hợp với Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức cùng với sự tham gia của các Bộ trưởng giữa hai nước.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Australia là sự kiện có ý nghĩa quan trọng được tổ chức nhân dịp chuyến thăm chính thức Australia đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, là cơ hội để hai bên cùng nhau chia sẻ, mở ra một thời kỳ mới cho sự hợp tác, phát triển giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tại đây, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và Australia; nghe giới thiệu về khả năng và kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước Đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tại Việt Nam; đánh giá về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp Việt Nam tại Australia.
Về đầu tư, các nhà đầu tư Australia đã tham gia đầu tư Việt Nam từ những ngày đầu mở cửa, và đã có nhiều đóng góp cho quá trình hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều năm qua. Đến nay, với hơn 630 dự án và hơn 2,03 tỷ USD vốn đăng ký, Australia xếp thứ 20/145 quốc gia và vũng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, đa số trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Australia hơn 90 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD.
Về hợp tác phát triển, Australia là một trong những đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam với tổng vốn ODA lũy kế xấp xỉ 3 tỷ AUD. Trong đó, hai bên đã phối hợp triển khai nhiều dự án trọng điểm, có tính lan tỏa và tác động kinh tế – xã hội tích cực trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng (như Cầu Mỹ Thuận 1), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phòng chống đại dịch Covid-19.
Về thương mại, với lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà hai bên là thành viên như CPTPP, RCEP,… kim ngạch thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 14 tỷ USD, thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đồng Bộ trưởng Sản xuất và Thương mại Australia Tim Ayres nhắc tới ấn tượng tốt đẹp, sự đón tiếp nồng hậu trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, cho rằng Diễn đàn sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn tại Đại học RMIT, thành phố Melbourne – hai địa điểm tạo động lực, truyền cảm hứng cho quan hệ hai nước.
Thủ tướng vui mừng thông báo dự kiến trong chuyến thăm lần này của ông tới Australia, hai bên dự kiến sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương, qua đó đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
“Điều này khẳng định tuy khoảng cách địa lý có thể xa nhưng tấm lòng và hợp tác giữa hai bên không có gì ngăn cản được, vì lợi ích của hai dân tộc, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng phát biểu và mong các doanh nghiệp góp phần vào điều này.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng về “5 cái hơn” khi quan hệ song phương được nâng cấp: Tin cậy chính trị tốt hơn, hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư cao hơn, hợp tác khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn, hợp tác giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân sâu sắc hơn, hợp tác du lịch và lao động được đẩy mạnh hơn.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng và tin tưởng rằng Viện Chính sách Australia – Việt Nam sẽ làm tốt việc nghiên cứu tình hình, khuyến nghị chính sách cho hai Chính phủ để không ngừng đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Khái quát những nét lớn về đường lối, chính sách và thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm qua, Thủ tướng cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng song vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, không gian hợp tác giữa hai nước.
Mong muốn các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, Thủ tướng khẳng định Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác này. Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư. Thủ tướng đề nghị phía Australia hỗ trợ Việt Nam trong 3 đột phá chiến lược.
Trong quá trình hợp tác sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng đề nghị hai bên tháo gỡ, giải quyết trên cơ sở trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng đề nghị trong hợp tác, hai bên tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, trong đó Việt Nam có thị trường 100 triệu dân, nhiều mặt hàng của Australia được người Việt Nam ưa chuộng và Việt Nam cũng có lợi thế về nhiều mặt hàng như nông sản, hàng điện tử, may mặc,…
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên hợp tác thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ trên nền tảng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giao lưu nhân dân, du lịch, văn hóa và giáo dục đào tạo trên cơ sở phát huy mạnh mẽ bản sắc độc đáo và phong phú của hai dân tộc.
Theo VOV
Nguồn