Ngày 8/3, tại Thủ đô Canberra, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO).
• Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Australia
CSIRO là một cơ quan khoa học – công nghệ của chính phủ Australia, được thành lập vào năm 1916 với tên gọi ban đầu là Hội đồng Cố vấn khoa học và công nghiệp (Advisory Council of Science and Industry), sau đó đổi tên thành Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (Council for Scientific and Industrial Research – CSIR) vào năm 1926.
Mục đích thành lập CSIR nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học để hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Australia như: nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất chế tạo,… Sau chiến tranh thế giới thứ hai, CSIR phát triển nhanh chóng, mở rộng các hoạt động nghiên cứu sang nhiều lĩnh vực mới như: công nghiệp dệt, vật liệu xây dựng, luyện kim, vật lý thiên văn, tài nguyên – môi trường,… Năm 1949, CSIR đổi tên thành CSIRO (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation) – Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung như ngày nay.
Hiện nay, CSIRO là một trong những tổ chức khoa học – công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới, gồm 5.500 nhân viên với 57 cơ sở đặt trên khắp nước Australia và các văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, Chile, Pháp, Singapore, Indonesia và Việt Nam; đóng góp giá trị khoảng 4,5 tỷ đô-la Australia cho nền kinh tế thông qua các hoạt động khoa học và công nghệ.
Qua buổi làm việc với CSIRO, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc hợp tác trong khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đối với chúng ta là không có giới hạn, song vấn đề là cách thức hợp tác như thế nào.
Thủ tướng đề nghị hai bên xây dựng các dự án tranh thủ gói tài trợ đã có mà Australia đã dành cho ASEAN hay cho Việt Nam, cụ thể như trên lĩnh vực trái cây, lúa gạo, tôm,… với tinh thần đi thẳng vào vấn đề thiết thực, cụ thể.
Thủ tướng mong muốn tiếp tục mời lãnh đạo CSIRO sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội thúc đẩy hợp tác, muốn vậy, phía Việt Nam cũng phải chuẩn bị kỹ các dự án.
Theo Thủ tướng, hai bên phải hướng nguồn vốn tài trợ vào các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích. Trong quá trình hợp tác, trao đổi, liên kết thì có những vấn đề thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn, đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên, chúng ta nỗ lực để thành công nhiều hơn thất bại, thuận lợi nhiều hơn khó khăn, vướng mắc. Chính phủ Việt Nam sẽ có các cơ chế, chính sách, ưu tiên, chỉ đạo, điều hành để việc triển khai hợp tác hai bên được thuận lợi.
Hương Duyên (Tổng hợp từ Báo Nhân dân)
Nguồn